Giáo dục

Đoạn văn nghị luận về lối sống ăn bám chọn lọc hay nhất

Lối sống “ăn bám” là một lối sống tiêu cực, gây ảnh hưởng đến sự phát triển nhân cách của con người và nền văn minh của xã hội. Trong bài viết dưới đây, chúng tôi sẽ giới thiệu tới các bạn bài văn nghị luận về lối sống ăn bám chọn lọc hay nhất, giúp các bạn có thể tham khảo cho bài viết của mình.

I. Dàn ý nghị luận về lối sống ăn bám

1. Mở bài

Giới thiệu về những nội dung cơ bản của lối sống ăn bám.

 

2. Thân bài

Phân tích: 

– Một là phần thực trạng: Tình hình thực tế về lối sống ăn bám của giới trẻ trong xã hội ngày nay. 

– Hai là phần nguyên nhân: Lý do vì sao có nhiều bạn trẻ sống theo lối sống này mà không chịu nỗ lực cố gắng – nguyên nhân chủ quan (tâm lý muốn được tự do hưởng thụ của giới trẻ); nguyên nhân khách quan (khả năng tự lập tài chính gặp khó khăn, khoảng cách giữa thu nhập thực tế so với mức chi tiêu sinh hoạt là rất lớn).

– Ba là phần hậu quả: Những ảnh hưởng, tác động tiêu cực của lối sống ăn bám đối với cá nhân, cộng đồng và xã hội.

– Cuối cùng là lời khuyên dành cho các bạn trẻ ngày nay.

 

3. Kết bài

Khái quát lại toàn bộ vấn đề.

 

II. Bài văn nghị luận về lối sống ăn bám có chọn lọc

“Ăn bám” là từ để ám chỉ những người sống nhờ vào lao động của người khác, có khả năng lao động nhưng lại không chịu làm việc và tự mình chăm sóc bản thân. Đây là thói quen xấu và là vấn đề vô cùng nhức nhối trong xã hội hiện đại ngày nay. Thói quen ỷ lại, dựa vào người khác và thiếu đi tính độc lập, tự chủ cần có của một người dần trở thành một điều hiển nhiên trong mắt của các bạn trẻ. Và đây là những gì mà tất cả chúng ta cần phải khắc phục.

Biểu hiện của một người có lối sống ăn bám chính là không chịu tự mình lao động, làm việc, kiếm tiền, không có kế hoạch, mục tiêu cho cuộc đời của mình, luôn luôn phụ thuộc vào người khác. Họ sử dụng thành quả và công sức lao động của người khác cho mục đích vui chơi, sinh hoạt cá nhân của mình, tiêu dùng tài sản của người khác mà không hề cảm thấy ngại ngùng hay tự ti về điều đó. 

Ngày nay, vấn đề giới trẻ chỉ muốn tận hưởng một cuộc sống an nhàn, thảnh thơi nhưng lại luôn tránh né công việc, đùn đẩy trách nhiệm, khó khăn đang ngày càng trở nên phổ biến. Có một sự khác biệt ở những bạn trẻ Việt Nam so với một số quốc gia trên thế giới, đó chính là việc “tự lập khi đủ 18 tuổi”. Không khó để bắt gặp những hình ảnh sinh viên, các bạn trẻ Việt Nam hàng ngày thoải mái thảnh thơi vui chơi, giải trí và nghỉ ngơi trong khi đó cha mẹ đều đã lớn tuổi hàng ngày vẫn phải quan tâm, chăm sóc, chuẩn bị từng bữa cơm hàng ngày cho con của mình. Trong một số trường hợp, khi được người lớn trong nhà nhờ làm công việc gì đó hoặc bạn bè, cấp trên tại công ty yêu cầu xử lý công việc, các bạn trẻ đã liên tục né tránh hoặc đùn đẩy công việc đó cho người khác, thậm chí thẳng thừng nói với cha mẹ “thôi con không làm đâu”, “thôi con ngại lắm” hoặc “thôi con đang chơi game”… để có thể thoái thác công việc. Vậy đâu là nguyên nhân khiến các bạn trẻ ngày nay lựa chọn lối sống như vậy?

Một trong những nguyên nhân đầu tiên khiến giới trẻ hình thành lối sống ỷ lại, dựa dẫm vào người khác bắt nguồn từ truyền thống đùm bọc lẫn nhau trong gia đình. Mục đích của truyền thống này không hề xấu, với mong muốn có thể gắn kết mọi người trong gia đình và hỗ trợ lẫn nhau trong cuộc sống. Tuy nhiên một số bạn trẻ đã dần hiểu sai ý nghĩa của nó, lợi dụng tình cảm của người nhà và ỷ lại vào sự chăm sóc, nuôi dưỡng của họ mà không tham gia học tập, làm việc. Nguyên nhân thứ hai dẫn đến hiện tượng như trên là do trong thời điểm hiện nay, hoạt động xin việc trở nên rất khó khăn, khoảng cách giữa thu nhập thực tế so với mức chi tiêu sinh hoạt trong xã hội ngày nay ngày một lớn, áp lực công việc cao… Chính những điều này cũng là nguyên nhân dẫn đến việc giới trẻ dần nản chí và dần ỷ lại vào những người xung quanh khi nhận thấy mọi người có thể đùm bọc mình. Bên cạnh đó, có một số bạn trẻ có tâm lý muốn được hưởng thụ mà không phải bỏ ra công sức, vì vậy mà dần hình thành suy nghĩ mong muốn người khác bao bọc, chăm sóc cho mình mà không muốn tự bản thân làm điều đó.

Tuy nhiên, bất kể là vì lý do gì thì lối sống này cũng không được ủng hộ bởi nó đem đến rất nhiều tác hại cho các cá nhân đang ở trong tình trạng này, cho cộng đồng và xã hội. Trước hết, đối với những người đang sống theo lối sống ỷ lại, dựa dẫm vào người khác, lối sống này sẽ khiến họ mất đi khả năng tự chủ của bản thân, không có chính kiến và luôn nghe theo ý kiến, sự sắp đặt của người khác. Lối sống này không chỉ hạn chế khả năng phát triển, khả năng tự lập của con người mà còn khiến con người trở nên thụ động, giảm chức năng tư duy của não bộ và trở thành gánh nặng của những người xung quanh, đặc biệt là gia đình. Lâu dần sẽ hình thành nên những thói xấu khác như khó chịu khi không nhận được sự trợ giúp, bao bọc của người khác và coi đó là điều đương nhiên. Khi gặp phải khó khăn sẽ không thể tự xử lý, khi mất đi chỗ dựa sẽ không đủ khả năng để tự lo cho bản thân, không muốn lao động để kiếm tiền và hình thành nên tâm lý muốn tìm kiếm cách thức đơn giản nhất để có thể có được tài sản, chẳng hạn như trộm cắp, cướp giật… Tự mình đánh mất đạo đức của bản thân và gây ấn tượng xấu tới những người xung quanh. 

Bên cạnh đó, đối với cộng đồng và xã hội, lối sống này của các cá nhân sẽ tạo gánh nặng cho xã hội và làm chậm đi quá trình phát triển của nền kinh tế, văn hóa của nhân loại. Lối sống này hình thành nên nhiều tệ nạn xã hội như nghiện hút, trộm cắp, từ đó khiến cho trật tự an toàn xã hội bị ảnh hưởng. Nếu như vậy, tương lai của một đất nước, dân tộc sẽ không còn có thể tiến bộ, bởi con người không thể tự lập, lo cho chính mình, không thể đóng góp, cống hiến cho sự phát triển của cộng đồng.

Những hậu quả trên sẽ có tác động vô cùng tiêu cực tới tất cả chúng ta, do đó lối sống ăn bám, thường xuyên dựa dẫm, ỷ lại vào người khác rất đáng lên án. Chính vì vậy, các bạn trẻ ngày nay cần xác lập cho mình lý tưởng sống đúng đắn, luôn tích cực, chủ động trong mọi suy nghĩ, hành động và việc làm. Là sinh viên, chúng ta cần nỗ lực trong học tập, lao động và hình thành lối sống độc lập, tự chủ. Để có thể cải thiện những điều này, mỗi chúng ta cần phải có tính tự giác, chủ động hỗ trợ, phụ giúp cha mẹ, tự mình học hỏi, tìm hiểu và khám phá những kiến thức mới. Bên cạnh đó, đối với gia đình, nhà trường và xã hội, việc thay đổi phương pháp giáo dục là biện pháp tốt nhất để thay đổi hành động không tốt này trong giới trẻ, trước khi chúng cắm rễ và hình thành thói quen gắn liền và tư tưởng lệch lạc đối với những bạn trẻ. Cha mẹ và thầy cô hãy tạo điều kiện để các bạn trẻ tham gia các hoạt động xã hội, khơi gợi sự tò mò, nhiệt huyết và mong muốn khám phá của các con nhằm giúp các con trở nên năng động hơn, tự chủ hơn và có khả năng tư duy tốt hơn. Thay vì e sợ các con gặp khó khăn không thể tự giải quyết mà không để cho các con có cơ hội trải nghiệm, cha mẹ chỉ nên hỗ trợ các con trong việc tư vấn tìm cách giải quyết vấn đề, định hướng tương lai cho các con thay vì thay mặt các con hoàn thành tất cả mọi thứ. Những điều này sẽ gây hại cho các bạn trẻ sau này.

Có thể nói, thói quen xấu ăn bám, ỷ lại, dựa dẫm vào người khác là một thói quen đáng bị lên án và sửa đổi, loại bỏ khỏi xã hội ngày nay. Đây là vấn nạn cấp thiết cần xử lý ở nước ta, nhằm phòng ngừa sự tác động tiêu cực của vấn đề này tới sự phát triển kinh tế, văn hóa của quốc gia. Các bậc phụ huynh không nên vì tình cảm của mình mà quá bao bọc, bảo vệ con, tạo điều kiện để khiến các con hình thành tâm lý ỷ lại, dựa dẫm vào những người xung quanh. Còn về các bạn trẻ, tất cả chúng ta cần năng động và nhiệt huyết hơn nữa, cố gắng nỗ lực hết mình để thực hiện ước mơ, tạo nên những giá trị tốt đẹp cho đời sống, xã hội.

Trên đây là bài văn nghị luận về chủ đề lối sống ăn bám trong giới trẻ ngày nay. Trường Cao Đẳng Kiên Giang hy vọng bài viết có thể đem tới nhiều thông tin hữu ích cho độc giả! Chúc các bạn học tập tốt!

Related Articles

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button